A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ chiếc Vespa đến chai dầu gội đầu và cái hay của người am hiểu văn hoá! _ Phạm Vũ Tùng

Quan hệ giữa báo chí và thương hiệu/ doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ hai chiều, nếu bạn xây dựng được giá trị cho thương hiệu của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng thì báo chí sẽ không phụ lòng các bạn.

Từ chiếc Vespa đến chai dầu gội đầu và cái hay của người am hiểu văn hoá!

Rất nhiều bạn trẻ hỏi tôi làm sao để sản phẩm của mình có thể đến tay các nhà báo rồi sau đó làm sao để họ nói về mình và mình có phải trả tiền để lên bài không và trả bao nhiêu thì đủ?
Về thù lao, câu trả lời của tôi thường là nếu có điều kiện thì các bạn nên có một chút incentive nhưng không nên lạm dụng nó. Tuy nhiên câu trả lời thực sự lại nằm ở Thương Hiệu của bạn và giá trị thực của nó. Nhiều bạn nói với tôi rằng thương hiệu của mình rất nổi tiếng trên thế giới nhưng tại sao người Việt mình lại không có chút hiểu biết gì về nó vậy? Xin thưa rằng độ nổi tiếng của một thương hiệu trên thế giới chỉ là điều kiện cần chứ không thể quyết định cho sự thành công của thương hiệu tại Việt Nam. Peogeot là thương hiệu nổi tiếng thế giới về ôtô và xe máy nhưng khi vào Việt Nam qua một nhà phân phối tại TP HCM, sau một thời gian ngụp lặn không thành công, đành phải rút lui và nay đang có ý định quay lại qua Trường Hải Motors. Aprilia và Moto Guzzi là hai thương hiệu xe máy nổi tiếng của tập đoàn Piaggio, trong khi Piaggio tương đối thành công ở Việt Nam thì Aprilia và Moto Guzzi chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn cuộc chơi. Điều đó có nghĩa rằng bạn phải xây dựng giá trị thương hiệu của mình tại Việt Nam bất kể đến việc thương hiệu của bạn nổi tiếng đến cỡ nào trên thế giới.
Trong những năm 1994 - 1995 có thể các bạn không tin nhưng cứ 10 người Việt Nam thì có 9 người không biết Piaggio là ai, họ chỉ biết Vespa, chiếc "xa-lông bay" mà có giá trị ngang một toà nhà 2 tầng khi mới thống nhất đất nước năm 1975, cũng như việc họ chỉ biết bình nước nóng Ariston mà không biết công ty sản xuất ra nó MTS. Và ngay cả khi chiếc Vespa thực thụ đầu tiên ET4/ ET8 được giới thiệu ở Việt Nam người ta vẫn hoài nghi và chê bôi nó: quá cao, quá nặng, tiếng nổ quá to và quá tốn xăng. Chúng tôi ý thức được rằng vầng hào quang mà Vespa có chỉ là vầng hào quang của quá khứ và có rất ít giá trị trong hiện tại và rằng việc xây dựng cho nó một bản sắc văn hoá mang sắc thái Việt là điều hết sức cấp thiết. Chúng tôi chọn thời trang và nghệ thuật. Đối với thời trang Vespa là phụ kiện đẳng cấp không thể thiếu để tạo nên một fashionista sành điệu, còn với nghệ thuật Vespa là tấm toan để các nghệ sĩ thả hồn, lấy cảm hứng và sáng tác trên nó. Chỉ trong 3 năm từ 2004 đến 2007 đã có 15 nhà thiết kế thời trang Việt khoác áo mới cho Vespa, hai hoạ sĩ gạo cội và hàng chục nhiếp ảnh gia đã sáng tác trên nó, về nó. Để rồi tới những năm 2008 - 2009 trên mỗi góc phố đều có bóng dáng của Vespa dù nó vẫn cao như vậy, nặng như vậy kêu to và tốn xăng như vậy. Và dĩ nhiên Vespa thường xuyên được featuring trên các tạp chí chuyên nghành ôtô, xe máy, các tạp chí lối sống, thời trang và các báo chí khác. Các nhà báo trở thành những người bạn chí cốt của tôi và chính họ lại là nười cho chúng tôi những lời nhận xét sắc sảo, những góp ý chân thành và cảm hứng trong công việc.
Năm 1983 gia đình Bollati thành lập tập đoàn Davines tại Parma, Italy, thánh địa của văn hoá Địa Trung Hải, của thời trang và kiến trúc. Khởi điểm chỉ là một phòng thí nghiệm chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc và da cao cấp nhất cho các hãng mỹ phẩm nổi tiếng, sau đó một thập kỷ, họ bắt đầu cho ra đời những sản phẩm của chính mình. Hai mươi năm sau đó Davines đã có mặt ở 56 quốc gia với hàng chục ngàn salon và hàng trăm ngàn người thợ làm tóc nhiệt huyết. Tuy nhiên những con số ấn tượng ấy liệu có ý nghĩa gì với khách hàng Việt Nam? Người duy nhất nhìn ra ý nghĩa ấy là cậu học sinh vừa tốt nghiệp trường luật, sáng đi làm, chiều về làm lễ tân buổi tối cho một khách sạn trong phố cổ của Hà Nội để kiếm chỗ nghỉ qua đêm đầu những năm 2000. Ý niệm của anh chỉ là nhằm tạo ra sự giao thoa văn hoá Việt - Ý, xây dựng một vẻ đẹp bền vững, một sự quyến rũ không thể cưỡng nổi cho người con gái Việt. Series Davines Hair Show ra đời năm 2007 và tiếp nối đến tận bây giờ. Mỗi kỳ Davines Hair Show là một lần các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam được tuyển chọn và đưa ra công chúng thưởng thức, nếu không có Davines các tác phẩm nghệ thuật này sẽ nằm ở đâu đó, hoặc được triển lãm ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Liên tục giữ vững là show tóc có chất lượng nhất tại Việt Nam đồng thời luôn lựa chọn được các tác phẩm nghệ thuật tốt để đưa tới công chúng qua sự tư vấn, giúp đỡ của các hoạ sĩ, nghệ sĩ tên tuổi và nhiệt tình, Davines Hair Show luôn được báo chí và công chúng đánh giá cao. Đã có không dưới 200 bài báo của hơn 80 báo, đài phát thanh và truyền hình đưa tin về Davines Hair Show 2012. Người thanh niên năm nào nay đã chín chắn hơn nhiều, anh hơn ai hết hiểu rõ giá trị thương hiệu của mình và giá trị văn hoá hàm chứa trong nó, giá trị mà anh dày công xây dựng. Báo chí viết về anh như một điển hình doanh nhân trẻ, nhưng đối với chúng tôi thì chỉ đơn giản là anh hiểu được giá trị thương hiệu và văn hoá Việt.
Quan hệ giữa báo chí và thương hiệu/ doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ hai chiều, nếu bạn xây dựng được giá trị cho thương hiệu của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng thì báo chí sẽ không phụ lòng các bạn.
Qua đó tôi hy vọng rằng đã trả lời một cách thấu đáo hơn câu hỏi mà các bạn trẻ, những người bạn của tôi tại các Trường Đại học: Viện Đào Tạo Quốc Tế IBD - ĐH Kinh Tế QD, RMIT, Học Viện Ngoại Giao và các bạn trẻ yêu marketing khác mà tôi vẫn nợ bấy lâu. Hãy vun xới, chăm sóc cho thương hiệu của mình, các bạn sẽ có quả ngọt.

Hà Nội, tháng 5/2013.
Phạm Vũ Tùng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật